image banner
Admin
Ấp 2, xã Minh Lập: Muốn giảm nghèo phải nâng cao hiệu quả tuyên truyền
Lượt xem: 882

Ấp 2, xã Minh Lập (Chơn Thành) hiện có 520 hộ dân, trong đó khoảng 36% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Xêtiêng. Ấp được hưởng nhiều chính sách ưu tiên của Nhà nước như chương trình 134, 135, 167... và nhiều chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khác. Đến nay, cả ấp có 4 giếng nước tập trung và 140 hộ được hỗ trợ nhà ở. Tuy nhiên, cuộc sống của các hộ vẫn còn khó khăn, bởi trước đây đồng bào dân tộc thiểu số bán đất sản xuất, đất ở dẫn đến nghèo đói kéo dài. Bên cạnh đó, một số yếu tố đang tồn tại, kìm hãm sự phát triển của người dân là năm nào cũng có vài ba trường hợp sinh con thứ 3 trở lên; một số hộ còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

 

Bà Thị Hớt trước căn nhà dựng tạm bợ trên phần đất của người khác

Chúng tôi đến nhà bà Thị Hớt ở tổ 7, ấp 2 khi bà vừa đi mót mủ cao su về. Trước đây, do không có tiền chữa bệnh cho con nên bà Thị Hớt phải bán 0,5 ha đất sản xuất. Gia đình bà thuộc diện nghèo, được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở nhưng do xây nhờ trên phần đất của người khác nên ít lâu sau phải dỡ bỏ. Hiện gia đình bà đang dựng tạm ngôi nhà bằng tre nứa trên phần đất của một người khác gần đó. Ngôi nhà tạm bợ chật hẹp, ẩm thấp là chỗ che mưa nắng của ba mẹ con. Không đất sản xuất nên mùa khô bà đi làm cỏ, tưới nước thuê; mùa mưa đi trồng mì, mót mủ. Mỗi ngày bà kiếm được khoảng 40-50 ngàn đồng để mua gạo ăn. Hai đứa con của bà chưa học hết tiểu học. Bà Thị Hớt nói: Gia đình tôi chỉ mong các cấp chính quyền xét cho đi định canh, định cư để có nhà ở, có đất trồng cây. Ở nhờ mãi thế này, đến tuổi già không còn sức lao động không biết lấy tiền đâu để sống.

 

Hộ anh Điểu Bươi ở cùng ấp nghèo vì đông con, mới 40 tuổi nhưng anh đã có 8 người con. Do sinh cách nhau một hai năm, lại sống trong cảnh đói ăn, mặc rách nên mấy đứa con anh gầy gò, lớn hơn nhau chẳng là bao. Hiện 4 đứa đang đi học, đứa học cao nhất mới lớp 5 và 4 đứa còn lại đang ở tuổi bế bồng. Vậy mà khi được hỏi có ý định sinh thêm nữa không, anh Bươi trả lời: “Cũng chưa biết, đến đâu hay đến đó”. Trước đó, gia đình anh Điểu Bươi được báo Công an Nhân dân xây tặng căn nhà tình thương. Hiện vợ chồng anh có 0,3 ha đất trồng cao su được 4 năm tuổi. Hằng ngày, anh Bươi đi bẻ măng bán lấy gạo ăn, hoặc đi làm cỏ, trồng mì thuê với mức thu nhập từ 20 đến 100 ngàn đồng/ngày, còn vợ ở nhà chăm các con. Vợ anh Điểu Bươi nói: “Đông con mà không đủ cái ăn cho chúng tội lắm. Ngày nào chồng kiếm được nhiều tiền thì cơm đủ ba bữa, còn không thì nấu cháo”. Khi chúng tôi hỏi về chuyện học hành của các con, anh Điểu Bươi cho biết: “Lo được cho chúng đi học đến đâu hay đến đó, sau này chưa biết thế nào”.

Ông Điểu Lê, Trưởng ấp 2, xã Minh Lập cho biết: Hiện cả ấp còn 46 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo, 40 hộ không có đất sản xuất, 5 hộ không có nhà ở, phần lớn là người dân tộc thiểu số. Để hỗ trợ người dân, hàng năm, các tổ chức hội, đoàn thể ở xã phối hợp với ngành chức năng mở lớp dạy cạo mủ cao su, tạo điều kiện cho người dân được học nghề, tìm việc làm. Tuy nhiên, số người tham gia rất ít, bởi tâm lý người dân thích lao động tự do, không muốn làm việc cho các nông trại hay công ty cao su, sợ bị ràng buộc về thời gian. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền vận động cũng rất khó, do nhiều hộ người dân tộc thiểu số còn suy nghĩ “con là do trời cho”. Như vậy, vấn đề đặt ra cho cấp ủy, Ban điều hành ấp 2 cũng như cấp ủy, chính quyền xã Minh Lập là công tác tuyên truyền phải hiệu quả hơn, làm sao để người dân thay đổi nhận thức, cùng hợp tác xóa đói giảm nghèo chứ không chỉ là lo làm nhà, cấp đất cho họ.

Hải Châu

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
   


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ MINH LẬP - THỊ XÃ CHƠN THÀNH

Địa chỉ : QL14, xã Minh Lập, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước

Điện thoại: 

Chịu trách nhiệm : UBND xã Minh Lập

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị