image banner
Quản trị xã Minh Lập
GIỚI THIỆU CHUNG VỀ XÃ MINH LẬP
Lượt xem: 801
anh tin bai

 

          1. Minh Lập qua các thời kỳ lịch sử:

Từ rất lâu, trên địa bàn Bình Phước ngày nay đã có dấu vết con người cư trú, những kết quả nghiên cứu khảo cổ học được tiến hành tại các di chỉ như: thành đất đắp hòn, di chỉ bãi tiêu, những di vật đá, gốm, đồng... cho biết từ 2.500 cho đến 3.000 năm trước, mảnh đất này đã có con người cư trú. Nhưng suốt một thời kỳ dài tiếp theo, người ta không biết gì thêm về văn hóa cũng như sự tồn tại của những lớp người đầu tiên này. Cho đến khi thực dân Pháp xâm lược (nửa cuối thế kỷ XIX), Minh Lập nơi đây vẫn còn là vùng rừng núi hoang vu.

Năm 1862, sau khi chiếm được 3 tỉnh miền Đông, thực dân Pháp đã bắt đầu khai thác vùng đất đai phì nhiêu này. Năm 1882, toàn quyền Pháp cho quân lên bình địnhvùng Chơn Thành - Lộc Ninh - Bù Đốp. Ngày 01/3/1903, thống đốc Nam Kỳ ban hành Nghị định thành lập đại lý (quận) Hớn Quản gồm 6 tổng: Thanh An (5 làng), Cửu An (2 làng), Minh Ngãi (14 làng), Quản Lợi (10 làng), Phước Lễ (5 làng) cai trị bởi quan chức người Pháp, đại diện cho chủ tỉnh Thủ Dầu Một. Trong tổng Thanh An có số dân 1101 người, với 5 làng, trong đó có làng Nhà Bích, Nha Vôi, Chà Là, Vật Ron và Vật Tuốc. Đến năm 1938, tổng Thanh An sát nhập còn lại 3 làng là Nha Bích, Nha Vôi, Chà Là. Từ đó, mảnh đất Hớn Quản trong đó có Minh Lập (lúc này Minh Lập thuộc làng Nha Bích) bắt đầu có những thay đổi về mọi mặt. Đời sống đồng bào các dân tộc bị xáo trộn. Nhà cửa, phum, sóc, đất rẫy bị cướp, nhân dân nai lưng làm công không, đi khai phá rừng, xây đồn, làm đường cho Pháp.

Lao động nặng nhọc, ốm đau, chết chóc, đồng bảo còn phải chịu đựng những thứ thuế vô lý như thuế thân, thuế rẫy, thuế rừng. Khi thực dân Pháp lập đồn điền trồng cao su, đồng bào các dân tộc là những người đầu tiên phải đi khai phá rừng, cuốc đất trồng cây, chịu đòn roi của chủ đồn điền Pháp.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến đầu năm 1951, xã Nha Bích thuộc quận Hớn Quản, tỉnh Thủ Dầu Một. Sau khi tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa sáp nhập thành tỉnh Thủ Biên tháng 5/1951, thực hiện chủ trương của tỉnh, Minh Lập ngày nay thuộc huyện Hớn Quản, tỉnh Thủ Biên. Cuối năm 1951, địa giới hành chính này duy trì đến sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954.

Tháng 10 năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm cho tách một số vùng ở phía Bắc hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa, lập thành hai tỉnh mới: Bình Long và Phước Long. Tỉnh Bình Long được thành lập theo Sắc lệnh số 143/NS (ngày 22-10-1956), với tổ chức hành chính gồm 2 quận: An Lộc, Lộc Ninh, (Minh Lập thuộc xã Nha Bích) thuộc quận An Lộc.

Ngày 27/01/1964, quận Chơn Thành (chế độ ngụy) chính thức thành lập gồm 7 xã, 11 ấp, trong đó Minh Lập thuộc xã Nha Bích.

Đối với cách mạng, để phù hợp yêu cầu chỉ đạo địa bàn hoạt động tương ứng với phân chia hành chính của chính quyền Sài Gòn, tháng 10 năm 1961, Trung ương Cục miền Nam cho tách Bình Long, với 3 quận có phiên hiệu theo mật danh: C45 - quận Chơn Thành, C55 - Hớn Quản và C65 - Lộc Ninh. Địa giới hành chính các quận tỉnh Bình Long của cách mạng cũng tương ứng với tổ chức hành chính của địch. Xã Minh Lập thuộc C45 - quận Chơn Thành.

Ngày 30/01/1971, do yêu cầu chỉ đạo kháng chiến, Trung ương Cục miền Nam giải thể Khu 10, thành lập Phân khu Bình Phước gồm hai tỉnh Bình Long và Phước Long: Cuối năm 1972, giải thể Phân khu Bình Phước và thành lập tỉnh Bình Phước, quận Chơn Thành gồm các xã như Hưng Long (8 ấp), Ninh Hòa (3 ấp), Nha Bích; nhưng trong thực tế các đội mũi công tác của ta vẫn bám theo nhân dân trên địa bàn các xã cũ dù bị địch xúc tát gom vào các ấp chiến lược, lúc này nhân dân Minh Lập bị gom về ấp chiến lược ở Chơn Thành.

Sau ngày xã Minh Lập được giải phóng, chính quyền cách mạng được thiết lập. Đầu năm 1977, theo Nghị định 55/CP ký ngày 11/3/1977 về việc hợp nhất ba quận An Lộc, Lộc Ninh và Chơn Thành thành huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé, xã Minh Lập thuộc huyện Bình Long. Đến ngày 06/11/1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định tách tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Từ ngày 01/01/1997, bộ máy hành chính hai tỉnh chính thức đi vào hoạt động. Xã Minh Lập thuộc huyện Bình Long tỉnh Bình Phước.

Đầu năm 2003, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định số 17/2003/NĐ- CP ngày 20/02/2003, về việc thành lập huyện Chơn Thành và Bù Đốp thuộc tỉnh Bình Phước. Theo Nghị định này, xã Minh Lập thuộc huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Trong quá trình khai phá định cư lập nghiệp, tạo dựng xóm làng, chủ nhân của vùng đất Minh Lập trải qua bao thế hệ đã liên tục đấu tranh quyết liệt với thiên nhiên và xã hội, biến vùng đất rừng hoang vu thành đất canh tác nuôi sống con người, tạo dựng những thôn, ấp với những tên gọi gần gũi thân thương như các ấp 1,2,3,4,5,6,7.

Qua các thời kỳ cho đến ngày nay, với điều kiện tự nhiên về đất đai, khí hậu thuận lợi cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp, nên sự phát triển kinh tế của Minh Lập chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp; trong đó cây công nghiệp cao su (từng được chủ tư bản Pháp trồng và khai thác từ những thập niên đầu thế kỷ XX), cây ăn quả và một số loại cây lương thực, thực phẩm, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng đa canh ngày càng phát triển. Những năm gần đây, loại hình kinh tế trang trại đang phát triển mạnh ở Minh Lập, đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và dịch vụ của địa phương ngày càng phát triển nhanh hơn.

2. Vị trí địa lý và Điều kiện tự nhiên:

Minh Lập là một trong 9 xã, phường của thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, nằm cách trung tâm huyện khoảng 20 km về phía đông; về địa giới hành chính của xã: phía Bắc giáp xã Tân Hưng (Hớn Quản); phía Đông giáp xã Tân Thành (thành phố Đồng Xoài) và xã Thuận Phú (huyện Đồng Phú); phía Nam giáp xã Minh Thắng và xã An Linh (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương); phía Tây giáp với xã Quang Minh và xã Minh Thắng.

Minh Lập nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng của vùng Đông Nam bộ với 2 mùa mưa và khô rõ rệt (mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 chiếm 91% tổng lượng mưa cả năm, mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau). Lượng mưa trung bình hàng năm khá cao từ 2000-3000m/năm. Hướng gió chính là hướng đông bắc vào mùa khô và hướng tây nam vào mùa mưa. Nhiệt độ trung bình khoảng 25,8°C - 26,2°C, nhiệt độ trung bình tối cao không quá 33°C và nhiệt độ trung bình tối thấp không dưới 20°C nhưng có độ chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm từ 7-9°C. Biên độ chênh lệch này thuận lợi cho việc tăng năng suất cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Mức chênh lệch nhiệt độ trong cùng một ngày từ 5 đến 10 độ, lớn nhất là những tháng đầu năm như tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch. Là một xã với cơ cấu kinh tế 62,84% là nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ có bước phát triển đáng kể trong những năm gần đây. Xã Minh Lập có tổng diện tích tự nhiên hơn 5.008,25ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 3.972,62ha, gồm đất trồng cây lâu năm 3.763,2ha và đất trồng cây hàng năm 209,42ha. Hầu hết, đất ở đây thuộc mẫu đất phù sa cổ (đất xám), tiếp là đất nâu đỏ và nâu vàng trên bazan chiếm 2/3 toàn huyện, đất nâu vàng trên phù sa cổ thích hợp cho nhiều loại cây công nghiệp như cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn trái và cả cây hàng năm như lúa, mì, đậu bắp... Đời sống của nhân dân địa phương không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm. Đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 80,18 triệu đồng/người/năm.

Nguồn nước ngọt cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt ở Minh Lập được cung cấp bởi nguồn nước ngầm và dòng Sông Bé, hồ thủy lợi Phước Hòa (102,15ha), một số suối nhỏ khác. Hầu hết dòng sông, suối chảy theo hướng bắc nam và tây bắc - đông nam.

Cùng với các xã, phường trong thị xã Chơn Thành là xã có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế nói chung và sử dụng đất nói riêng. Xã có đường quốc lộ 14 đi qua là con đường có vai trò huyết mạch, nối liền trung tâm kinh tế lớn nhất phía Nam là thành phố Hồ Chí Minh và Nam Tây Nguyên. Đây là con đường có ý nghĩa quan trọng, tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đường tỉnh lộ có đường ĐT 756 là tuyến đường liên huyện từ Minh Lập đi Lộc Hiệp (Lộc Ninh) qua địa bàn xã Minh Lập 10,95km; Điểm đầu là quốc lộ 14 (Minh Lập) đi qua Tân Hưng, Thanh An (Hớn Quản), đi qua Lộc Khánh, Lộc Quang, Lộc Hiệp (Lộc Ninh). Ngoài ra, xã còn có đường huyện (đường ĐH 02 liên xã) từ ấp 3 (Minh Lập) đi qua ấp 7 (xã Minh Thắng) và ấp 6 (xã Nha Bích). Bên cạnh đó còn có hệ thống đường giao thông nông thôn thuận lợi phục vụ cho nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân địa phương.

Với diện tích đất đai khá rộng, địa hình bằng phẳng, thủy văn, khí hậu ôn hòa, giao thông thông suốt đã tạo nên những điều kiện vô cùng thuận lợi cho Minh Lập phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Minh Lập có đất đỏ, nâu vàng đất xám chiếm đa số toàn huyện, có độ phì cao, tầng đất đỏ dày thích hợp nhiều loại cây nhất là cây công nghiệp, cây trồng sinh trưởng tốt, cho năng suất cao..., hứa hẹn nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng, đổi mới hội nhập kinh tế trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay.

3. Dân số và lao động

a) Dân số

- Năm 2023, dân số toàn xã Minh Lập là Dân số toàn xã hiện có 2.495 hộ/8.726 nhân khẩu.. Mật độ dân số không đều, dân cư có xu hướng quy tụ về các khu vực phát triển thuận lợi như ấp 1, 3, 4, 6.

b) Lao động

Số người lao động trong độ tuổi lao động có khả năng lao động trên địa bàn xã là: 5877 lao động (trong đó: 2990 nam, 2887 nữ)

Số lao động qua đào tạo là: 5047 (trong đó: 2550 nam, 2497 nữ)

Số lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ là: 2089 (trong đó: 1050 nam, 1039 nữ).

4. Dân tộc, tôn giáo:

a) Dân tộc: Trên địa bàn xã Minh Lập có số lượng đồng bào dân tộc anh em khác cùng sinh sống, như: S’tiêng, Hoa, Khơme, Tày, Nùng, Mường… với 362 hộ/1.504 khẩu, chiếm 16,25% dân số toàn xã, sống rãi rác tại các khu dân cư và tập trung chủ yếu ở ấp 2 và ấp 5.

b) Tôn giáo: Trên địa bàn xã Minh Lập 7 tín ngưỡng tôn giáo gồm Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa hảo, thờ cúng ông bà, tín ngưỡng dân gian.

Cơ sở Tôn giáo gồm: 02 chùa (chùa Nhuận Minh thuộc ấp 3 và chùa Hoa Nghiêm thuộc ấp 5) và 01 miếu thuộc ấp 2; 01 giáo xứ thuộc ấp 6; có 01 chi hội Tin Lành Miền nam Việt Nam và 03 điểm nhóm (2 nhóm Tin lành Miền nam Việt Nam thuộc ấp 5,7 và 1 điểm nhóm Tin lành Liên Hữu cơ đốc thuộc ấp 2).

Tổng số tín đồ các tôn giáo trên địa bàn là 2.378  tín đồ.

*

Được sự quan tâm của Thị ủy – HĐND – UBND thị xã, Đảng bộ và chính quyền, nhân dân xã Minh Lập quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Minh Lập nhiệm kỳ 2020-2025, đoàn kết chung sức thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, thi đua xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập người dân trên địa bàn xã.

Tin khác
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
   


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ MINH LẬP - THỊ XÃ CHƠN THÀNH

Địa chỉ : QL14, xã Minh Lập, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước

Điện thoại: 

Chịu trách nhiệm : UBND xã Minh Lập

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị